Trò chơi giác quan dành cho trẻ em là các hoạt động thực hành kích thích tất cả hoặc hầu hết các giác quan của trẻ.

Những giác quan đó bao gồm năm giác quan quen thuộc nhất mà bạn biết: khứu giác, xúc giác, thị giác, thính giác và vị giác.

Mặc dù các nhà lý thuyết về trò chơi giác quan đã có những quan điểm khác nhau trong nhiều năm, nhưng họ đều đồng ý nhiều khía cạnh về tầm quan trọng của việc chơi để khơi dậy các giác quan và giúp trẻ học hỏi.

Friedrich Freebel

Friedrich Froebel (1782-1852) là nhà giáo dục người Đức, người đã đưa ra khái niệm mẫu giáo.

Lý thuyết về sự phát triển con người của ông cho rằng trẻ em học hỏi và phát triển sự hiểu biết của chúng về thế giới bằng cách trực tiếp trải nghiệm nó thông qua trò chơi thực hành.

Jean Piaget

Jean Piaget (1896-1980) là nhà tâm lý học người Thụy Sĩ, ông cho rằng, trẻ giai đoạn 0-2 tuổi học được rất nhiều về nguyên nhân và kết quả khi chúng khám phá thế giới quanh mình bằng các giác quan. Cũng thông qua chơi, trẻ kiểm soát khả năng vận động tốt hơn.

Maria Montessori

Tiến sỹ y khoa người Ý – Maria Montessori (1870-1952) đã nói: “Chơi là công việc của trẻ”.

Bà đã phát triển một phương pháp giáo dục được sử dụng phổ biến trên thế giới – phương pháp Montessori. Môi trường giáo dục Montessori gồm các giáo cụ được xây dựng dựa trên sự hấp dẫn đối với các giác quan của trẻ. Qua đó, trẻ có thể tự mình tìm tòi, khám phá cuộc sống, nhanh chóng thích ứng với môi trường xung quanh.

Ngày nay, hơn bao giờ hết, các nhà nghiên cứu và giáo dục hiểu tầm quan trọng của trò chơi giác quan trong thời thơ ấu đối với sự phát triển của trẻ.

Trong những năm đầu đời khi trẻ chưa thành thạo ngôn ngữ, việc sử dụng cơ thể của chúng một cách hiệu quả để học là điều bắt buộc.

9 lợi ích của trò chơi giác quan

Có rất nhiều lợi ích khi trẻ chơi các trò chơi giác quan. Dưới đây là 9 lợi ích chính:

1. Phát triển não bộ

Trò chơi giác quan đã được nghiên cứu chứng minh là tăng cường các kết nối thần kinh trong não.

Sự kết nối này dẫn đến các kỹ năng ghi nhớ tốt hơn và cũng tạo nền tảng cho các nhiệm vụ học tập phức tạp hơn trong tương lai, bao gồm cả những nhiệm vụ liên quan đến kỹ năng ngôn ngữ và giải quyết vấn đề.

2. Nhận thức

Các hành vi quan sát, thử trải nghiệm mới và thao tác với các vật liệu mới đều phối hợp với nhau để mở rộng quá trình suy nghĩ của trẻ.

Trẻ có thể học các kỹ năng tiền toán học, chẳng hạn như so sánh kích thước, sắp xếp, làm theo mẫu và lắp ghép.

Trẻ cũng học về khoa học khi tham gia vào các trải nghiệm như xác định vật gì chìm hoặc nổi trong nước và cách trọng lực tác động lên cơ thể mình hoặc các vật liệu khác nhau trên sân chơi.

Trẻ cũng bắt đầu thấy mối liên hệ giữa các vật liệu khác nhau mà trẻ chơi, chẳng hạn như những vật liệu có đặc tính tương tự như dính, có mùi, lạnh hoặc mịn.

Tham gia vào các hoạt động giác quan còn giúp trẻ nhận thức rõ hơn về không gian xung quanh mình, vị trí của mình trong không gian và cũng quan tâm hơn đến bản thân với tư cách cá nhân, tách biệt với cha mẹ, anh chị em và bạn cùng chơi.

Trẻ cũng có thể nhận thức rõ hơn về điểm mạnh và khả năng của mình.

3. Khả năng thích ứng

Trong quá trình chơi giác quan, trẻ em thường xuyên thấy mình trong những tình huống mới, thú vị mà chúng phải thích nghi được.

Những trải nghiệm này giúp trẻ có được sự tự tin và khiến trẻ thậm chí có thể thích nghi tốt hơn khi xuất hiện tình huống mới.

4. Thoải mái

Những lợi ích về cảm xúc của trò chơi giác quan đôi khi bị bỏ qua.

Đối với nhiều trẻ em, trò chơi xúc giác là một hoạt động nhẹ nhàng, chẳng hạn như hoạt động dùng tay nhào nặn đất nặn hoặc cho cát, gạo và nước chảy qua các ngón tay trong thùng giác quan (sensory bin).

Những đứa trẻ căng thẳng, lo lắng hoặc buồn bã thường có thể tham gia nhiều hơn vào một hoạt động giác quan thú vị và gạt những cảm xúc tiêu cực đó sang một bên, ít nhất là trong thời điểm trẻ chơi.

5. Phát triển ngôn ngữ

Trong khi cùng tham gia trò chơi giác quan, trẻ có vô số cơ hội để thực hành giao tiếp bằng lời nói.

Trẻ cố gắng nói về thế giới của trẻ và những gì trẻ đang làm hoặc để truyền đạt ý tưởng, mong muốn và quan điểm của mình.

Và các kỹ năng ngôn ngữ nói mà trẻ được rèn luyện theo cách này sau đó có thể là nền tảng vững chắc cho việc học đọc.

Ngoài ra, khi trẻ sử dụng các cơ ở ngón tay và bàn tay trong khi chơi các giác quan sẽ giúp trẻ rèn luyện vận động tay, khả năng cầm nắm – tiền đề cho hoạt động viết sau này.

6. Kỹ năng vận động

Trẻ chạm và di chuyển đồ vật như một hình thức khám phá kết cấu và hình dạng. Trong khi véo, xoay và rót, trẻ tập luyện và học cách kiểm soát các cơ nhỏ ở ngón tay và bàn tay.

Khi trẻ bò, nhảy, đá, leo trèo và chạy trong khi tương tác với những thứ như cầu thang, quả bóng và thiết bị sân chơi, trẻ sẽ phát triển các nhóm cơ lớn ở cánh tay, bàn chân, cẳng chân và thân mình.

7. Sáng tạo

Trong một trò chơi, quy trình chơi quan trọng hơn sản phẩm. Khi trẻ vui vẻ sử dụng trí tưởng tượng của mình và cảm thấy hài lòng về kết quả đạt được, hãy khuyến khích, động viên trẻ để giúp việc khám phá, khả năng sáng tạo của trẻ phát huy vào lần sau.

8. Giải quyết vấn đề

Khi trẻ em tương tác với nhiều loại vật liệu và các hoạt động mở, trẻ có nhiều cơ hội để đưa ra dự đoán, giải quyết vấn đề, đưa ra quyết định và so sánh kết quả với dự đoán ban đầu của mình.

Sau đó, trẻ có thể thử các chiến lược thay thế vào lần tiếp theo để xem kết quả có khác không.

9. Phát triển cảm xúc và tương tác xã hội

Trẻ thường chơi theo nhóm nhỏ và cạnh tranh nhau trong quá trình chơi giác quan, qua đó giúp trẻ học cách giao tiếp, chia sẻ và hòa đồng với nhau.

Những tình huống này giúp trẻ học cách nhìn nhận các tình huống từ quan điểm của một đứa trẻ khác, hiểu sự đồng cảm.

Trò chơi giác quan trong thời thơ ấu đặc biệt có giá trị đối với sự phát triển của trẻ trong những năm đầu đời. Có rất nhiều hoạt động kích thích giác quan cho trẻ dễ dàng thực hiện tại nhà. Bé Chơi sẽ giới thiệu trong bài viết sau nhé!