Chơi đóng kịch (chơi giả vờ) là một thuật ngữ chỉ những trò chơi giả tưởng hàng ngày mà trẻ em rất thích thú. Từ mặc quần áo cho búp bê đến đóng vai siêu anh hùng, trò chơi đóng kịch bao gồm nhiều loại trò chơi và hoạt động khác nhau ở các độ tuổi khác nhau.

Tùy thuộc vào độ tuổi hoặc sở thích của chúng, con bạn có thể kết hợp các đạo cụ và cùng với bạn bè đảm nhận các vai trong một câu chuyện; hoặc chúng có thể lặng lẽ tưởng tượng ra những tình huống đơn giản không cần búp bê, đồ chơi, trang phục hay người nào khác.

Thật đáng yêu khi thấy những đứa trẻ chơi những trò chơi này, nhưng những gì bạn đang chứng kiến ​​khi nhìn thấy con mình đang chơi không chỉ đơn thuần là một điều gì đó dễ thương. Chơi đóng kịch thực sự quan trọng đối với sự phát triển trí tuệ, kỹ năng nói của con bạn.

Nâng cao trí tưởng tượng và phát triển trí tuệ

Trong khi đóng kịch, trẻ nhỏ có cơ hội hồi tưởng lại những cảnh trong cuộc sống của chính chúng – những điều mà chúng đã chứng kiến ​​hoặc tham gia. Vì vậy, bạn có thể thấy cảnh trẻ phục vụ bữa trưa cho “các em bé” của mình giống như bạn đã làm hoặc xoay quanh phòng giống như công chúa trong bộ phim chúng vừa xem.

Đây là dấu hiệu cho thấy con của bạn đã bắt đầu có thể ghi nhớ những hình ảnh trong đầu. Đó là bước đầu tiên hướng tới trò chơi phức tạp hơn và suy nghĩ mang tính biểu tượng mà bạn sẽ nhận thấy trong các hoạt động như:

  • Tham gia vào các trò chơi phức tạp với những đứa trẻ khác: Khoảng 3 tuổi, trẻ em bắt đầu tương tác với các bạn cùng trang lứa, tham gia vào các trò chơi phức tạp và biết chia sẻ quan điểm. Đó là một trong những cách để chúng cố gắng hiểu thế giới xung quanh. Chẳng hạn, con bạn có thể đóng vai giáo viên trong khi các bạn của bé đóng vai học sinh, bé có thể dẫn dắt “học sinh” hát theo một bài hát yêu thích, “dạy” một bài học, hoặc thông báo đã đến giờ ra chơi… và trong khi thực hiện tất cả những việc đó cũng là lúc bé đang cải thiện khả năng giao tiếp và tư duy logic của mình.
  • Bắt chước người khác: Lúc đầu, bé có thể bắt chước chính xác hành động của bạn, nhưng khi bé phát triển tư duy tiến bộ hơn, bé sẽ không chỉ diễn lại những gì bé đã thấy; bé sẽ tạo ra các diễn biến mới của một câu chuyện. Ví dụ, lúc đầu, bé có thể giả vờ như đang đi mua sắm giống mẹ, và sau đó, bé có thể xếp thú bông của mình thành hàng và đi mua sắm cho thú cưng.
  • Rèn luyện tư duy ở cấp độ cao hơn: Điều khác biệt giữa trò chơi đóng kịch với các trò chơi khác là con bạn tham gia vào việc tạo ra một thứ gì đó mới một cách tự nhiên. Đó là một hoạt động có vẻ đơn giản nhưng đòi hỏi bé phải lập kế hoạch, tổ chức và giải quyết vấn đề.
  • Sử dụng óc sáng tạo: Con bạn có thể hồi tưởng lại cùng một câu chuyện, mỗi lần lại mang đến một điều gì đó khác biệt cho kịch bản để làm cho nó hay hơn hoặc khác biệt hơn.
  • Sử dụng đồ chơi để thay thế cho đồ thật: Ví dụ, một cái bát trở thành một chiếc mũ hoặc một chiếc điều khiển trở thành một chiếc điện thoại.

Phát triển kỹ năng nói, sử dụng ngôn từ

Trò chơi giàu trí tưởng tượng giúp trẻ nhỏ mài giũa kỹ năng ngôn từ. Hãy xem thử trò chơi bé giả vờ khám bệnh cho một con gấu bông như mình là một bác sĩ. Bé có thể (có lẽ chỉ bằng những từ đơn giản) bảo con gấu mở miệng ra hoặc cho nó biết nó có một chiếc răng sâu. Rõ ràng trò chơi giả vờ này ‘buộc’ bé phải nói. Còn với một hoạt động như ném bóng hoặc xem video thì có thể bé không cần sử dụng lời nói.

Một số dấu hiệu của kỹ năng nói trong quá trình chơi đóng kịch bao gồm:

Nói to

Hãy thử lén nhìn con bạn khi chúng đang chơi độc lập, không cần sự can thiệp hoặc hướng dẫn của người lớn, bé có thể tự nhiên tham gia kể chuyện hoặc nói ra suy nghĩ thành tiếng. Lúc này, bé không quan tâm người khác nói gì hoặc cần gì, bé đang ở trong thế giới của riêng mình.

Điều này cho phép con bạn nghe được cách phát âm các từ của chính mình nói ra và có thể khuyến khích bé thử nghiệm với các từ khác(có thể là từ thật hoặc giả vờ) và xây dựng sự tự tin với lời nói của chính mình.

Nói chuyện nhiều hơn

Đã có rất nhiều nghiên cứu đáng ngạc nhiên được thực hiện về trò chơi giả vờ ở trẻ em, và một trong những điều đã được chứng kiến ​​nhiều lần là một đứa trẻ bắt đầu kể chuyện và xây dựng câu chuyện sẽ ngày càng nói nhiều hơn.

Bé có thể cảm thấy thích thú trước âm thanh giọng nói của chính mình, hoặc, như trong trường hợp của những đứa trẻ lớn hơn, chúng có thể bị cuốn vào câu chuyện và tiếp tục thêm thắt vào đó. Những đứa trẻ có nhiều thời gian để tập nói trong những tình huống tưởng tượng này cũng có thể nói nhiều hơn trong cuộc trò chuyện hàng ngày với bố mẹ.

Làm thế nào để khuyến khích trẻ chơi đóng kịch

Trò chơi đóng kịch đến với trẻ em một cách tự nhiên, nhưng trong thời đại được kích thích liên tục bởi TV, trò chơi điện tử, trẻ nhỏ thực sự có thể bị hạn chế những hoạt động để phát huy trí tưởng tượng của mình. Để giúp con bạn rút ra lợi ích của các trò chơi giàu trí tưởng tượng, hãy thử các mẹo sau:

Cho phép con bạn có thời gian và không gian để chơi một cách độc lập và bắt đầu các trò chơi đóng của riêng bé. Điều đó có thể có nghĩa là tắt TV, loại bỏ đồ chơi điện tử khỏi khu vui chơi để con bạn khám phá đồ chơi của mình mà không cần hướng dẫn hoặc can thiệp. Sẵn sàng tham gia vào một số trò chơi giả vờ của con. Chẳng hạn, bạn có thể tham gia tiệc trà hoặc giúp con hóa trang thành cao bồi, công chúa,…

Chuẩn bị sẵn một số đạo cụ đóng kịch quan trọng

Trẻ em thực sự không cần nhiều thứ để tạo ra thế giới tưởng tượng và một câu chuyện. Các bé rất vui khi biến những chiếc cốc và bát trong phòng ăn thành lâu đài và đường đua cho những chiếc ô tô của mình. Những đồ chơi như thế này khơi dậy các hoạt động sáng tạo và khuyến khích bé chơi theo trí tưởng tượng.

Cố gắng sắp xếp thời gian để con bạn tương tác với những đứa trẻ khác. Mặc dù tương tác xã hội không phải là một yếu tố cần thiết cho vở kịch, nhưng nó bổ sung một nhân tố vào vở kịch giúp xây dựng các kỹ năng ngôn ngữ và xã hội.