Nhiều hoạt động hàng ngày của trẻ liên quan đến việc sử dụng các kỹ năng vận động tinh như mặc quần áo, mở hộp và sử dụng bút. Những kỹ năng này đòi hỏi sự phối hợp giữa các ngón tay, bàn tay và mắt, bắt đầu bằng việc nắm được một cái lục lạc từ khi trẻ được vài tháng tuổi và dần dần phát triển thành các kỹ năng phức tạp hơn như sử dụng kéo, cầm đũa tự ăn và cầm bút, chơi nhạc cụ.

Cùng Bé Chơi tìm hiểu lý do tại sao những kỹ năng này lại quan trọng và cách giúp con bạn xây dựng những kỹ năng này

Kỹ năng vận động tinh là gì?

Kỹ năng vận động tinh thể hiện qua sự phối hợp giữa các nhóm cơ nhỏ ở bàn tay, cổ tay, ngón tay với mắt, việc thực hiện các hoạt động như cầm nắm các đồ vật hoặc đồ chơi nhỏ, mặc quần áo, viết chữ… Kỹ năng vận động tinh cũng thể hiện sự khéo léo, sự tập trung, khả năng kiểm soát các hoạt động tinh.

Những kỹ năng này rất quan trọng trong hầu hết các hoạt động ở trường cũng như trong cuộc sống nói chung. Sự yếu kém trong kỹ năng vận động tinh có thể ảnh hưởng đến khả năng tự ăn uống, viết chữ, cũng như lật trang sách và thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc cá nhân của trẻ, chẳng hạn như mặc quần áo và chải chuốt.

Các cột mốc cho kỹ năng vận động tinh

Mặc dù mỗi trẻ em phát triển khác nhau qua từng giai đoạn, nhưng việc có một mốc thời gian tương đối khi chúng đạt được các mốc nhất định có thể hữu ích trong việc giúp bạn xác định xem con mình có đang tiến triển với tốc độ bình thường hay không.

  • Từ sơ sinh đến năm 1 tuổi:

Trong năm đầu đời của bé, bé sẽ phát triển một số kỹ năng vận động tinh. Ví dụ, một đứa trẻ 2-3 tháng tuổi có thể cầm được một cái lục lạc khi nó được đặt vào tay chúng. Khi được 6 tháng tuổi, trẻ thường có thể cầm một khối bằng hai tay và có thể lắc một cái lục lạc. Khi được 9 tháng, hầu hết các bé đều thể hiện khả năng nắm gọng kìm (đầu ngón tay cái chạm đầu các ngón tay khác) và đến 12 tháng tuổi, chúng đã hoàn thiện khả năng nắm gọng kìm, có thể cầm bình sữa và có thể thả một khối hình vào cốc.

  • Từ một đến hai tuổi

Khi được 18 tháng tuổi, nhiều bé có thể chơi trò thả hình, thả các hình khối khác nhau cũng như xếp chồng được hai đến ba chiếc cốc. Chúng cũng có thể tự ăn bằng tay và viết nguệch ngoạc bằng bút chì màu. Đến 2 tuổi chúng có thể vẽ một đường thẳng, sử dụng thìa và xếp chồng sáu cái cốc. Chúng cũng đang bắt đầu học cách tự mặc quần áo.

  • Hai đến ba tuổi

Trong khoảng thời gian từ sinh nhật thứ hai đến sinh nhật thứ ba, hầu hết trẻ em đang học cách tạo các vòng tròn bằng việc sử dụng bút và vẽ các đường ngang. Chúng cũng thành thạo việc uống nước bằng cốc cũng như sử dụng nĩa và thìa. Trẻ ở độ tuổi này cũng có thể tự cởi quần áo cũng như tháo tất và giày.

  • Từ ba đến bốn tuổi

Khi trẻ mẫu giáo đến gần sinh nhật lần thứ tư, chúng đang hoàn thiện kỹ năng vẽ của mình. Chúng có thể vẽ một chữ thập cũng như vẽ một người có hai đến bốn phần. Chúng cũng đang học cách cắt giấy và có thể tự mặc quần áo nhưng vẫn có thể gặp khó khăn với việc cài cúc áo.

  • Từ bốn đến năm tuổi

Khi trẻ lên 5, trẻ có thể vẽ một hình vuông và vẽ một người gồm 10 phần. Chúng cũng có thể cầm bút thành thạo hơn bằng cách sử dụng 3 ngón tay và có thể tô màu giữa các đường kẻ. Trẻ ở độ tuổi này cũng có thể rửa tay khá kỹ và tự lau khô tay.

Kỹ năng vận động tinh phát triển như thế nào?

Các kỹ năng vận động tinh của con bạn sẽ phát triển thông qua các hoạt động hàng ngày và trong giờ chơi với các hoạt động liên quan đến cầm nắm, giữ và ấn. Chúng cũng sẽ hoàn thiện khả năng nắm gọng kìm trước tiên thông qua việc bốc đồ ăn, sau đó là chơi với đồ chơi và cuối cùng là tự mặc quần áo. Khi con bạn lớn lên, các kỹ năng vận động tinh của chúng được cải thiện, chúng sẽ chuyển sang các kỹ năng cao cấp hơn. Chẳng hạn, chúng sẽ học cách buộc dây giày, cài cúc áo, sử dụng kéo, viết tên của mình, mở và đóng túi nhựa…

Hoạt động xây dựng kỹ năng vận động tinh

Khi nói đến việc giúp con bạn phát triển các kỹ năng vận động tinh, bạn không cần phải làm bất cứ điều gì cầu kỳ. Hầu hết trẻ em có thể luyện tập và cải thiện các kỹ năng vận động tinh thông qua các hoạt động bình thường hàng ngày, các món đồ chơi đơn giản đòi hỏi sự hối hợp tay mắt. Bạn hãy chú ý sự phát triển của con theo từng giai đoạn và tạo môi trường cho con được luyện tập.

Chẳng hạn, bạn có thể mời con cùng vào bếp làm bánh quy, dọn bàn ăn hoặc tự rót sữa. Bạn cũng có thể cho con luyện kỹ năng vận động tinh bằng cách dùng nhíp gắp đồ vật hoặc tập quấn dây chun quanh cốc.

Dưới đây là một số hoạt động chính để trẻ rèn luyện kỹ năng vận động tinh tại nhà

  • Đồ chơi và trò chơi

Có rất nhiều đồ chơi phát triển các kỹ năng vận động tinh, kể cả đồ chơi dành cho trẻ từ sơ sinh đến vài tháng tuổi. Đối với trẻ em ở độ tuổi mầm non, các đồ chơi với các mảnh ghép để nhặt và sắp xếp (puzzle) rất phù hợp để phát triển các kỹ năng này. Ngoài ra một số đồ chơi như xâu dây, xếp chồng thăng bằng cũng nên được khuyến khích.

  • Vẽ và tô màu

Bạn có thể giúp con bạn thực hành các kỹ năng vận động tinh bằng cách vẽ với bút đánh dấu, bút màu, bút chì màu và phấn. Các bức vẽ không cần phải

hoàn hảo, việc viết nguệch ngoạc cũng đã rất tốt cho việc phát triển các kỹ năng vận động tinh rồi.

  • Đồ thủ công

Các hoạt động cắt giấy xây dựng kỹ năng và khả năng kiểm soát cơ bắp đơn giản hay phức tạp như trẻ muốn. Những trẻ mới bắt đầu có thể bắt đầu với việc cắt dây chuyền giấy và tiến tới các hình phức tạp hơn. Đối với những đứa trẻ lớn hơn, hãy thử origami – một nghệ thuật gấp giấy vui nhộn hoặc tạo hình từ đất sét.

Các vấn đề với kỹ năng vận động tinh

Có một số dấu hiệu cảnh báo rằng con bạn có thể gặp vấn đề với các kỹ năng vận động tinh như thường xuyên làm rơi đồ vật, khó cầm thìa cũng như khó viết hoặc sử dụng kéo. Khi con bạn lớn hơn, ngay cả việc không thể buộc dây giày cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề. Để xác định xem con bạn có vấn đề về phát triển kỹ năng vận động tinh hay không, điều quan trọng là bạn nên nhờ bác sĩ đánh giá nếu bạn nghi ngờ có vấn đề.

Nếu con bạn được xác định có điểm yếu về vận động tinh có thể ảnh hưởng đến việc học của chúng, hãy thảo luận những lo lắng của bạn với giáo viên của con bạn.

Khi nói đến sự phát triển của các kỹ năng vận động tinh, hầu hết sự phát triển của con bạn sẽ diễn ra một cách tự nhiên khi chúng học và chơi. Nhưng bạn có thể giúp con mình cải thiện những kỹ năng này bằng cách chọn các hoạt động, đồ chơi và trò chơi hỗ trợ phát triển kỹ năng vận động tinh nhé.