Đất nặn có rất nhiều lợi ích đối với trẻ giai đoạn mẫu giáo, vì vậy đây là một hoạt động tuyệt vời để ba mẹ khuyến khích trẻ thực hiện thường xuyên.

Cùng tìm hiểu xem điều gì khiến đất nặn được trẻ nhỏ yêu thích và thông qua hoạt động này trẻ đang học được gì nhé!

Đất nặn có thể được tìm thấy trong lớp học mầm non hoặc tại nhà trẻ nhỏ. Ba mẹ có thể mua sẵn hoặc tự làm đất nặn bằng các nguyên liệu tự nhiên như bột mỳ và màu thực phẩm, màu tự nhiên của các loại rau củ quả.

Trẻ em thích đất nặn vì độ mềm, dẻo và trẻ có thể làm bất cứ thứ gì từ nó. Hoạt động với đất nặn là một trải nghiệm tích cực đối với trẻ. Không có cách làm đúng hay sai nên trẻ luôn cảm thấy thành công với những sáng tạo của mình.

Đất nặn giúp ích gì cho sự phát triển của trẻ?

Dưới đây là 7 lợi ích chính của việc chơi với đất nặn đối với trẻ nhỏ:

1.Phát triển vận động tinh

Đất nặn rất tốt cho việc phát triển các kỹ năng vận động tinh của trẻ. Trẻ em cần rèn luyện các nhóm cơ nhỏ ở ngón tay và kiểm soát ngón tay trước khi học viết ở trường. Trong những năm mẫu giáo, trẻ phát triển các cơ này thông qua nhiều hoạt động chơi khác nhau. Đất nặn là một trong những hoạt động rất tốt cho sự phát triển vận động tinh. Đất nặn giúp trẻ thực hiện các thao tác nặn, ấn, bóp, véo, bẻ và lăn bằng bàn tay.

Để phát triển hơn nữa khả năng kiểm soát vận động tinh, hãy bổ sung một số dụng cụ để trẻ chơi với đất nặn như khuôn cắt, dao nhựa và cây lăn. Trẻ cũng có thể sử dụng các đồ vật như hạt cườm, cúc áo và vỏ sò để thêm vào tác phẩm của mình.

2.Từ vựng

Một trong những lợi ích của đất nặn đến sự phát triển của trẻ là trong khi sáng tạo các tác phẩm của mình, trẻ hình thành những ý tưởng và khái niệm mới. Trẻ cũng sẽ học được các từ mới như cuộn, ép và làm phẳng, cũng như các từ mô tả các thao tác trẻ đang làm.

Vốn từ vựng của trẻ tăng lên khi trò chuyện với bạn bè và thông qua ba mẹ hoặc giáo viên giảng giải những gì trẻ đang làm khi chơi.

3. Sáng tạo

Khi trẻ chơi với đất nặn, những miếng đất nặn với nhiều màu sắc khác nhau đang chờ được nặn thành một thứ gì đó độc đáo. Trẻ sẽ sáng tạo, nhào nặn một tác phẩm từ hình ảnh lưu giữ trong đầu. Mặc dù có thể tác phẩm khác xa hình ảnh thực tế. Lúc này ba mẹ đừng quan tâm đến tác phẩm mà chỉ nên quan tâm đến quá trình trẻ thực hiện.

Khi trẻ lớn hơn và có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc nhào nặn đất nặn, những tác phẩm của trẻ sẽ thể hiện nhiều chi tiết và sáng tạo hơn.

4. Đọc viết và số học

Việc đo, cắt một chi tiết theo kích thước mong muốn chính là cách để trẻ làm quen với phép đo, phép so sánh về kích thước. Đây là bước đầu bé làm quen với toán học.

Trẻ cũng có thể dùng đất nặn để nặn các chữ cái và con số. Trước khi dạy trẻ viết, trẻ phải được làm quen với các chữ cái và con số bằng cách sử dụng đất nặn lăn dài và cuộn thành các chữ cái theo sự hướng dẫn của ba mẹ. Đây là một cách tuyệt vời để dạy trẻ biết những chữ cái trong tên của mình.

5. Khả năng tập trung và sự kiên trì

Chơi với đất nặn giúp trẻ tăng khả năng chú ý. Nặn đất là một hoạt động đòi hỏi trẻ phải ngồi yên trong một khoảng thời gian. Điều này rất tốt để kéo dài khoảng thời gian tập trung của trẻ.

Khi sự kiên trì được rèn luyện, trẻ cũng sẽ tập trung cho đến khi tác phẩm của mình trông giống như trẻ muốn và thực hiện các thay đổi cho đến khi vừa ý.

6. Khái niệm khoa học

Đất nặn thúc đẩy sự phát triển nhận thức theo nhiều cách, chẳng hạn như học các khái niệm về khoa học. Một ví dụ về khái niệm khoa học là khám phá các vật liệu và cách chúng biến đổi. Kết cấu của đất nặn có thể được thay đổi bằng cách thử thay đổi thành phần hoặc thêm bớt nước để đất cứng hơn, mềm hơn,…

7. Thời gian yên tĩnh, thư giãn

Như đã đề cập ở trên, hoạt động với đất nặn là một trải nghiệm tích cực đối với trẻ. Điều này khiến trẻ có khoảng thời gian thư giãn, giải trí khi chơi với đất nặn. Ngay cả một số người lớn cũng rất thích hoạt động này – hoạt động mang tính thư giãn và làm giảm căng thẳng, rất thích hợp cho những người hay lo lắng, những trẻ hay cáu giận. Đất nặn có thể là cách để giúp trẻ bình tĩnh lại và có khoảng thời gian yên tĩnh và thư giãn.