Một trong những điều tuyệt vời nhất của trò chơi xếp hình khối là tính giáo dục đối với trẻ ở các độ tuổi khác nhau. Thông qua trò chơi trẻ được rèn luyện các kỹ năng, học hỏi nhiều điều mới lạ và phát triển khả năng nhận thức qua mỗi giai đoạn.

Nhận thức của trẻ thay đổi khi chơi: Thường thì với trẻ nhỏ, hình khối chỉ nhằm mục đích cho trẻ cầm nắm, khám phá. Khi lớn hơn thì trẻ sẽ có xu hướng sắp xếp các hình khối theo một trật tự, ví dụ như xếp chồng, xếp thành hàng ngang, hàng dọc, xếp theo phân loại màu sắc hoặc tạo thành nhiều hình khác nhau.

Chơi xếp hình khối là một trong những hoạt động mà thông qua đó, ba mẹ và giáo viên có thể biết con mình đang phát triển như thế nào chỉ bằng cách nhìn vào các hình khối sáng tạo của trẻ.

Dưới đây là bảy giai đoạn chơi xếp hình khối trong các giai đoạn phát triển của trẻ:

Giai đoạn 1: Cầm nắm và khám phá

Trong giai đoạn đầu tiên của trò chơi xếp hình khối, trẻ chơi với các hình khối bằng cách khám phá giống như bất kỳ đồ vật nào khác. Trẻ chơi với các khối hình vì muốn khám phá một đồ vật lạ lẫm đối với trẻ hơn là vì những gì trẻ có thể tạo ra từ đồ vật đó.

Trẻ nhỏ thường cầm nắm, lắc, đập, ném, gặm. Khi biết đi thì trẻ bắt đầu mang đi khắp nơi, thu thập và phân loại. Ở giai đoạn này, trẻ chưa xây dựng với các hình khối.

Giai đoạn 2: Xếp chồng các khối

Trong giai đoạn thứ hai, trẻ có thể xếp các hình khối thành các hàng ngang và hàng dọc. Trẻ thường bắt đầu bằng cách xếp chồng các khối lên nhau để tạo thành một tòa tháp. Trẻ rất thích thú khi xếp chồng các khối lên nhau chỉ để xem nó sụp đổ khi trẻ tác động đẩy. Lúc này trẻ đang học về nguyên nhân và kết quả.

Trẻ cũng thử nghiệm xếp các hình khối theo chiều ngang, theo hàng.

Trẻ thường có thể xây dựng:

• Tháp 2 khối từ khoảng 15 tháng tuổi

• Tháp có 3 khối từ khoảng 18 tháng tuổi

• Tòa tháp có 6 hoặc 7 khối từ 2 tuổi

• Một tòa tháp với hơn 7 khối từ 2 rưỡi

Giai đoạn 3: Làm cầu nối

Đây là giai đoạn mà những cây cầu đơn giản được xây dựng. Trẻ dùng hai khối đặt cạnh nhau với một khoảng trống ở giữa và khối thứ ba đặt nằm ngang trên 2 khối tạo thành một cây cầu.

Trẻ thường có thể xây dựng những cây cầu 3 khối đơn giản từ khoảng 3 tuổi.

Giai đoạn 4: Làm hàng rào

Ở giai đoạn này, trẻ có thể xây dựng hàng rào đơn giản. Trẻ muốn đánh dấu một khu vực bằng cách đặt các khối từ đầu này đến đầu kia.

Giai đoạn 5: Tạo mẫu

Giai đoạn này các khối có thể được sử dụng theo cách trang trí. Trẻ có thể sắp xếp các hình khối theo mô hình, sự đối xứng, cân bằng giữa các chi tiết. Việc sắp xếp các khối là hoàn toàn có ý nghĩa đối với trẻ.

Giai đoạn 6: Xây dựng và đặt tên

Trong giai đoạn chơi xếp hình khối này, trẻ thường đặt tên cho ‘tác phẩm’ của mình sau khi nó được xây dựng, đây là lúc trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của trẻ đang phát triển.

Giai đoạn 7: Lập kế hoạch xây dựng

Giai đoạn cuối này, trẻ có thể xếp được các hình khối thành các hình phức tạp hơn như ngôi nhà, lâu đài…. Trẻ thường nói trước trẻ sẽ xếp thành hình gì trước khi bắt đầu. Điều này cho thấy khả năng lập kế hoạch và suy nghĩ của trẻ trước khi bắt đầu một nhiệm vụ.

Trẻ thường cố gắng xếp thành các tòa nhà và hình thù đã quen thuộc với trẻ. Trẻ cũng tưởng tượng và sáng tạo ra nhiều cách xếp khác nhau.

Trên đây là bảy giai đoạn phát triển trong trò chơi xếp khối đối với trẻ. Nếu bạn đang băn khoăn không biết đâu là cách tốt nhất để giúp con mình tiến bộ qua các giai đoạn này, thì tất cả những gì bạn cần làm là cho con mình nhiều thời gian và cơ hội để chơi với các khối xếp hình. Trẻ sẽ tiến bộ một cách tự nhiên qua các giai đoạn xây dựng hình khối này.